Giới thiệu về Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) (gọi tắt là Chương trình) thuộc Dự án Phát triển DNNVV tỉnh Trà Vinh do Chính phủ Canada tài trợ, được xây dựng với mục tiêu “Phát triển, tăng cường năng lực và tiếp sức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và Hộ kinh doanh trong việc triển khai ý tưởng kinh doanh mới và sáng tạo, mang lại giá trị gia tăng, tạo ra sản phẩm mới trong các chuỗi giá trị, cải thiện môi trường, và thu hút việc làm cho phụ nữ và người dân tộc trong tỉnh Trà Vinh, thông qua cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, cũng như kết nối mạng lưới kinh doanh” nhằm góp phần thúc đẩy phát triển các khâu trong chuỗi sản phẩm (sản xuất, tiêu thụ, chế biến, liên kết kinh doanh,…), tạo ra nhiều sản phẩm mới hoặc trở thành doanh nghiệp đầu tàu trong ngành hàng cùng hợp tác thúc đẩy phát triển sản xuất.

 ĐỐI TƯỢNG THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH

Là doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang hoạt động trên địa bàn Trà Vinh, có tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh (trong đó có ưu tiên các chuỗi giá trị sản phẩm của Dự án) đảm bảo điều kiện và tiêu chí cơ bản sau:

  • Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh hoạt động tại tỉnh Trà Vinh; 
  • Đã có thời gian hoạt động tối thiểu 6 tháng (tính từ ngày đơn vị hoạt động)

Ngoài ra, tùy thuộc vào phạm vi sản xuất kinh doanh, các đối tượng là doanh nghiệp, HTX, hoặc hộ kinh doanh thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14.

MỨC HỖ TRỢ CHO CÁC DOANH NGHIỆP

Chương trình hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp theo nguyên tắc hoàn lại chi phí đã được ứng trước bởi doanh nghiệp để thực hiện đề xuất kinh doanh với định mức tối đa 49% (không bao gồm các khoản thuế) so với tổng kinh phí thực hiện đề xuất kinh doanh. Trong đó:

Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã: hỗ trợ trợ không vượt quá 800 triệu đồng

Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh: hỗ trợ không vượt quá 300 triệu đồng

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ ĐỀ XUẤT KINH DOANH

Đề xuất kinh doanh của doanh nghiệp được đánh giá theo 04 tiêu chí:

Tiêu chí 1: Tính phù hợp với nội dung của Chương trình hỗ trợ

Đề xuất của doanh nghiệp tạo ra những đóng góp tích cực cho các nội dung sau:

  • Phát triển chuỗi giá trị:  Đề xuất hỗ trợ thuộc các hoạt động nằm trong các khâu trong chuỗi giá trị ngành hàng hoặc tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị.
  • Phát triển cộng đồng và môi trường: Đề xuất của doanh nghiệp sẽ tạo ra các giá trị về phát triển xã hội và cộng đồng, cụ thể như thu hút thêm nhiều lao động; không vi phạm và đóng góp vào các vấn đề bảo vệ môi trường.
  • Doanh nghiệp sáng tạo: Đề xuất của doanh nghiệp thể hiện ứng dụng công nghệ thông tin hoặc đổi mới trong hoạt động marketing-bán hàng hoặc quản trị - sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả và tăng cường năng lực cạnh tranh.

 Tiêu chí 2 - Tính Khả thi:  Đề xuất của doanh nghiệp phải cho thấy tính khả thi để triển khai, bao gồm: sự phù hợp của hoạt động và địa bàn; tính khả thi về thị trường cho sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp; tính khả thi về năng lực và kinh nghiệm triển khai;  cam kết đóng góp nguồn lực của đơn vị, tính hợp lý của khung thời gian và kế hoạch tài chính, kinh phí để thực hiện.

Tiêu chí 3-  Tính Bền vững: là khả năng tiếp tục duy trì hoạt động hoặc các kết quả, tác động của hoạt động sau khi kết thúc giai đoạn hỗ trợ.

Tiêu chí 4- Tiêu chí bổ sung: Tiêu chí bổ sung được cân nhắc bao gồm: doanh nghiệp tạo ra các giá trị bổ sung ngoài các nội dung đã đăng ký; Đề xuất có khả năng nhân rộng và áp dụng tại các mô hình khác và/hoặc địa bàn khác; đề xuất của doanh nghiệp chú trọng sử dụng các nguyên liệu, lao động (phụ nữ, người dân tộc thiểu số), nguồn lực tại địa phương; doanh nghiệp do phụ nữ, người dân tộc thiểu số làm chủ